Giới thiệu về quê hương Đông Triều

           Với mỗi người trong số tất cả chúng ta, hẳn ai cũng có cho mình một quê hương. Cách nhìn nhận về quê hương của mỗi con người cũng có nhiều điểm khác nhau, nhưng tôi tin tất cả mọi người đều có một niềm tự hào về quê hương mình và tôi cũng vậy.
           Nếu có dịp đi đến Quảng Ninh, hãy ghé qua quê tôi các bạn nhé! Quê tôi là mảnh đất Đông Triều yêu dấu- nơi tôi sinh ra và nuôi tôi lớn từng ngày. Tôi tự hào lắm về Đông Triều - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đây cũng là quê gốc của vương triều Trần- một trong những triều đại vang danh bậc nhất lịch sử dân tộc Việt Nam. Với nhà Trần, đây không chỉ là quê gốc mà còn là ‘Trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu và đặc sắc’ với quần thể kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng kỳ bí, chứa đựng những giá trị tinh thần bất diệt gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.  Được biết đến với bề dày truyền thống cách mạng, gắn liền với những giai đoạn dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi ra đời của chiến khu Trần Hưng Đạo - một trong những chiến khu tiền khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945. Những tên đất, tên làng tên núi đã đi sâu vào trang sử hào hùng vẻ vang của quê hương Đông Triều chúng tôi.
           Đến với Đông Triều bạn sẽ cảm nhận được giá trị văn hóa vô cùng độc đáo mà hiếm có nơi nào có được. Bạn sẽ thật sự vô cùng choáng ngợp bởi những di tích đền đài lăng tẩm hết sức huyền bí, nó là nhân chứng cho thời kì vàng son của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Tiêu biểu là khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, một quần thể di tích lăng mộ, đền, chùa, am tháp nơi vùng đất An Sinh cổ xưa, với 14 di tích trải rộng trên 2.206ha thuộc 4 xã An Sinh, Tràng An, Thủy An và Bình Khê. Quần thể di tích này đã tạo ra vùng “thánh địa” linh thiêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hoá đặc sắc của nhà Trần.
           Đây là nơi có các dấu tích chùa tháp độc đáo qua suốt các thời kỳ Lý-Trần-Lê với đóng góp to lớn vào việc hình thành và phát triển tông phái Trúc Lâm, tông phái Phật giáo thuần Việt duy nhất, phát triển thành công nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Từ thời Lý, chùa Quỳnh Lâm đã là ngôi chùa Hoàng gia to lớn, nổi tiếng với tượng Phật Di Lặc - một trong “An Nam tứ đại khí”. Vào thời Trần, chùa đã trở thành một trung tâm truyền bá lớn của Thiền phái Trúc Lâm và là nơi . Vào thời Lê, chùa được đại trùng tu, đến nay dấu tích ngôi chùa đó đã được tìm thấy với những chân tảng đá hoa sen lớn nhất trong lịch sử kiến trúc truyền thống dân tộc. Hiện nay ngôi chùa nằm tọa lạc trên ngọn núi Tiên Du thuộc xã Tràng An, đã từng trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử do chiến tranh để lại, nhưng ngôi chùa vẫn giữ nguyên được sự tĩnh lặng, uy nghiêm, thanh tịnh và những giá trị lịch sử văn hóa vốn có.
             Tạm biệt chùa chùa Quỳnh, ta tới với đền An Sinh- di tích quan trọng nhất trong khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, là nơi thờ tự và tế lễ của các vua Trần xưa, và là trung tâm tín ngưỡng quan trọng dưới thời Trần Lê. Khu vực đền có diện tích khá rộng, khoảng 80.000 m2. Cổng đền có những hàng nhãn cổ thụ làm cho cảnh quan đền thêm cổ kính. Quanh đền có 14 cây đại thụ, biểu hiện cho 14 đời vua nhà Trần. Trước đền có tám cây vạn tuế biểu hiện cho tám vị vua được thờ ở đây. Khuôn viên đền, thời gian từ năm 1959 đến 1975 là trường đào tạo cán bộ miền nam ở miền bắc Việt Nam. Trong khuôn viên đền có một tấm bia bằng đá granit được các cựu học sinh miền nam mang ra từ Bình Định.
           Cách đền An Sinh khoảng 3km, cách lăng vua Trần Hiến Tông khoảng 200m về phía đông, cách lăng Trần Anh Tông khoảng 500m về phía nam, Đền Thái được xây dựng trên một quả đồi thấp, ,. Đứng từ đền Thái nhìn về phía Nam thấy được gác chuông chùa Quỳnh Lâm, quần thể đền An Sinh cùng làng mạc và cánh đồng của nhân dân xã An Sinh. Đền Thái do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng khi ông được cấp ấp thang mộc tại An Sinh. Tương truyền đền Thái là nơi thờ Tam thánh tổ Phật. Quy mô của đền rất lớn, gồm nhiều công trình tạo thành một quần thể kiến trúc gồm hệ thống nhà cửa, hành lang, sân vườn hoàn chỉnh. Nhà cửa ở đây là những kiến trúc gỗ lớn, mái lợp ngói cánh sen, các công trình này kết nối liên hoàn thành một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc ấy đều đã bị phá hủy hoàn toàn và hiện tại, nhờ sự quan tâm sâu sắc của UBND Quảng Ninh, chùa đang trong quá trình được trùng tu tôn tạo.
            Rời đền Thái, ta đến với chùa Ngọa Vân – thánh địa của thiền phái Trúc Lâm . Ngọa Vân tự - “chùa nằm trên mây” tọa trên ngọn núi Bảo Đài, dãy Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều trên địa phận thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đi qua thôn Tây sơn ven theo hướng núi về phía tây bắc chừng 4 km, ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, cụm di tích kiến trúc chùa Ngọa Vân nằm trên một địa thế rất đẹp cả về phương diện cảnh quan và phương diện phong thủy. Lưng tựa vào núi là đỉnh Ngọa Vân bốn mùa mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên làm tay ngai, phía trước có ngọn núi nhỏ chắn làm án, xa hơn về phía nam là thung lũng lớn với dòng sông Cầm uốn lượn mềm mại. Với vị thế ở hình thế phong thủy “tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thủy”, chùa Ngọa Vân quả là một nơi đắc địa, có thể ví như núi Linh Thíu ở Ấn Độ, nơi Phật Thích Ca đắc đạo vậy. Nằm trong quần thể di tích Ngoạ Vân còn những am, tháp cổ bên gốc những cây thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Thông Đàn, trên tuyến đường đi dọc suối Phủ Am Trà lên Ngọa Vân. Đây là chứng tích cả một thời kỳ lịch sử tự nhiên, xã hội của vùng đất linh thiêng và mang giá trị tâm linh đặc biệt trên tuyến đường hành hương lên “thánh địa” Trúc Lâm…Cùng với sự biến thiên của lịch sử, tuy hiện nay các công trình cũ của chùa Ngọa Vân đã bị tàn phá nghiêm trọng nhưng tên tuổi của nó đã gắn bó sâu sắc với cuộc đời và qúa trình tu hành của đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
           Toạ lạc trên núi Phật Sơn thuộc dãy núi Yên Tử, trong vòng cung Đông Triều, theo thuyết phong thuỷ, chùa Hồ Thiên xưa nằm ở vị thế vô cùng đắc địa, linh thiêng. Lưng chùa tựa vào một vách núi cao, hai bên có hai dãy núi chạy xuôi, nhô ra tạo thành thế tay ngai vững chắc, nhìn xuống dưới là những ngọn đồi cao nhấp nhô, xa xa là lòng hồ Bến Châu rộng, phẳng uốn lượn mềm mại như một tấm gương lớn phản chiếu. Chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông vào thế kỉ XIV, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp... để làm nơi truyền giảng đạo. Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình trùng tu lại nguyên trạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hồ Thiên huy hoàng trong lịch sử đến nay chỉ còn là phế tích. Hiện nay, trong khuôn viên của chùa Hồ Thiên, các công trình kiến trúc xưa vẫn còn giữ được khá nhiều di vật, nền chùa và chân bệ, các bệ đá kê chân cột, mặt tròn nền vuông có hình cánh sen được chạm cách điệu. Quanh chùa còn những ngôi mộ tháp, tháp gạch, tháp đá rất hiếm gặp... Sự hiện diện của các di vật kiến trúc văn hoá độc đáo còn lưu lại trên vùng đất này vẫn toát lên những giá trị đặc sắc mà trải qua năm tháng vẫn trường tồn cùng lịch sử. Trong đó, một số hiện vật đã được phục dựng lại như Tháp 7 tầng bằng đá và một số pho tượng cổ.
           Nằm trong Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, tuy chỉ còn là phế tích, song chùa Hồ Thiên vẫn là khu thánh địa linh thiêng nguyên sơ. Đây là một ngôi chùa cổ có lịch sử huy hoàng. Tuy nhiên, để đến được chùa Hồ Thiên, đường đi khá gian nan, vất vả, phải trèo đèo, lội suối, đi theo những lối đường mòn, xuyên qua những cánh rừng... Nhưng khi lên được đến nơi, mọi mệt nhọc dường như đều tan biến hết, du khách có thể tha hồ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoang sơ, không gian trong lành mà chỉ nơi đây mới có được…
           Trong chuyến du ngoạn Đông Triều, chăc chắn chẳng thể bỏ qua điểm du lịch tuyệt vời này để tìm hiểu về lịch sử văn hóa Đông Triều. Địa điểm trung tâm đệ tứ chiến khu (gồm chùa Bắc Mã và nhà truyền thống Bắc Mã. Chùa Bắc Mã quay nhìn ra hướng Tây. Trước mặt chùa qua một vườn bia tháp là một mặt hồ rộng hình bán nguyệt, tiếp đó là cánh đồng rộng mênh mông thẳng cánh cò bay. Vườn chùa rộng và mát mẻ bởi cây cối cổ thụ tạo nét rêu phong cổ kính. Toàn bộ ngôi chùa nằm hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, sơn thủy hữu tình. Chùa Bắc Mã cũng là nơi ghi dấu khí thế cách mạng hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do. Nơi từng diễn ra những dự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của đệ tứ chiến khu, cái nôi của phong trào giải phóng dân tộc ta ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Nơi đây hiện nay còn lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu và hình ảnh, thông qua đó du khách sẽ cảm nhận được tinh thần và khí thế hào hùng của quân và dân ta trong giai đoạn tiền khởi nghĩa do những nghĩa quân Chiến khu xưa sưu tầm về, như vũ khí, giáo mác, súng … đồng thời cũng giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc
           Tiếp đến, tôi muốn giới thiệu với các bạn về ngôi đền An Biên thuộc xã An Biên- nơi thờ tụng và cũng là nơi sinh ra nữ tướng Lê Chân anh hùng. Bà là người đứng lên hưởng ứng mạnh mẽ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 và để lại mốc son chói lọi trong thời kì chống giặc phương Bắc xâm lược.   Đền hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá  trị, mang  tính nghệ thuật cao như tượng nữ tướng Lê Chân, tượng các nữ chiến binh, chuông đồng, hoành phi, câu đối, long ngai…Hằng năm, Đền An Biên tổ chức ba ngày lễ lớn để tưởng nhớ vị nữ tướng tài giỏi, đó là các ngày 8 tháng 2 ( ngày sinh của bà), ngày 15 tháng 8 ( ngày thắng trận) và ngày 25 tháng 12 ( ngày mất của bà). Năm  2006,  đền An Biên đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
          Cùng nằm trong cụm du lịch đệ tứ chiến khu là di tích lịch sử văn hóa Đình – Chùa Hổ Lao. Xưa kia thuộc Tổng Mễ Sơn, Phủ Kinh Môn (nay thuộc thôn Hổ Lao, xã Tân Việt, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là một công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong xã. Đình và Chùa tọa lạc trên một gò đất tương đối bằng phẳng ngay đầu thôn Hổ Lao theo hướng Đông Nam, phía trước có cánh đồng lúa xanh tốt, xa xa có dòng sông Đạm, phía sau có dãy núi thuộc vòng cung Đông Triều bao quanh giống như một dải tường thành, quả là một nơi địa linh. Từ sau Cách mạng tháng Tám (1945), khi phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở Đông Triều, đình chùa Hổ Lao trở thành căn cứ hoạt động của nghĩa quân cách mạng, nhiều sự kiện chính trị quan trọng của xã đã diễn ra ở đây. Trong thời kỳ này, đình chùa Hổ Lao là cơ sở hoạt động của lực lượng du kích làng. Khi đội du kích làng Hổ Lao, Bắc Mã, Đạm Thủy được thành lập và nhanh chóng lớn mạnh tạo chỗ dựa vững chắc cho nhân dân thì đình chùa Hổ Lao đã trở thành điểm tập kết quan trọng của lực lượng vũ trang này. Cụm di tích lịch sử văn hóa Hổ Lao hiện nay gồm 3 công trình: Nhà bia tưởng niệm, đình và chùa. Xung quanh xây tường bao tạo thành một khuôn viên khá rộng, riêng biệt có cổng tam quan, sân nhà bia - đình - chùa phong quang sạch đẹp, trong vườn có nhiều hoa và nhiều loại cây, xanh tốt quanh năm tạo nên vẻ thanh bình, tĩnh mịch nhưng ấm áp.
          Hiện nay cụm di tích lịch sử văn hóa Đình – Chùa Hổ Lao đang cùng với di tích lịch sử Đền An Sinh và khu lăng mộ các vua Trần, chùa Bắc Mã, chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân, Hồ Thiên…tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa Quốc gia và du lịch tâm linh, hun đúc hồn thiêng của vùng địa linh nhân kiệt Đông Triều, góp phần phát huy giá trị của di tích và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch của xã Tân Việt nói riêng, thị xã  Đông Triều nói chung.
          Tiếp theo cuộc hành trình, chúng ta sẽ đi thăm Cụm di tích lịch sử cách mạng mỏ than Mạo Khê – nơi ghi dấu ngọn lửa hồng cách mạng. Đến đây du khách còn được thăm chùa Non Đông hay còn có tên chữ là Tường Quang tự, được xây dựng năm Trùng Hưng 1285 đời Trần, ghi dấu một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam. Chính tại nơi đây, hàng loạt các cuộc họp mật đã được diễn ra nhằm chỉ đạo các phong trào cách mạng của công nhân và nhân dân trong các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Ngôi chùa này còn là nơi khai sinh Chi bộ Đảng đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh. Hiện nay, vào những ngày rằm mồng một, nhân dân trong vùng đều tổ chức đến chùa để thắp hương lễ Phật và vừa để duy trì việc bảo tồn một di sản văn hoá đã bị thực dân Pháp tàn phá.
           Cách trung tâm thị xã Đông Triều gần 20 km, điểm du lịch làng quê Yên Đức nằm trên địa bàn thôn Yên Khánh, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều. Làng quê Yên Đức chỉ cách quốc lộ 18A chưa đầy 2km nhưng gần như tách biệt hẳn với cuộc sống thành thị náo nhiệt. Mùa nước nổi, làng quê Yên Đức với những rặng cau cao vút in bóng xuống mặt nước như một bức tranh thủy mặc. Cũng giống như bao làng quê Bắc Bộ khác trên dải đất hình chữ S, Yên Đức cũng có những rặng tre, hàng cau thẳng tắp, những ngôi nhà mang dáng dấp cổ kính, những ao hồ nho nhỏ giữa làng, những người nông dân hiền hậu. Tới thăm Yên Đức, ngoài việc tham quan cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa, các bạn còn có dịp vào tận nhà người dân để tìm hiểu về kiến trúc nhà ở truyền thống, truyền thống gia đình, phong tục thờ cúng tổ tiên, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng (các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ như: chèo, quan họ, múa rối…), tìm hiểu nghề làm quạt, làm chổi và trải nghiệm đời sống nông nghiệp mang tính làng xã (chủ yếu là tự cung tự cấp) thông qua hoạt động làm vườn, thu hoạch rau quả, câu cá, mò cua, bắt ốc... Điểm thú vị là du khách tự mình đạp xe thưởng ngoạn không khí trong lành, hít hà mùi lúa mới, băng qua những con đường thẳng tắp hàng cau hay len lỏi qua những ngõ nhỏ chỉ đủ vừa một chiếc xe đạp. Đi sâu khám phá thêm, vùng quê này còn có hệ thống di tích lịch sử ghi dấu ấn vùng đất cách mạng anh hùng với Núi Canh, núi Đống Thóc, núi con chuột, núi con mèo, Hang 73, chùa Cảnh Huống. Mỗi di tích đều mang một giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa riêng không chỉ có giá trị thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn gắn liền với mỗi di tích là một truyền thuyết dân gian có liên hệ khăng khít mật thiết với nhau nhưng không thể tách rời.
           Bên cạnh việc nổi tiếng với những cụm du lịch tâm linh và sinh thái đầy đặc sắc, Đông Triều còn được biết đến với một mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng. Hưởng ứng lời chỉ thị của Việt Minh: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhân dân Đông Triều và các vùng lân cận nay không thuộc Quảng Ninh đã anh dùng biết nhường nào khi đứng lên dưới sự chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng Cộng Sản Việt Nam và sự lãnh đạo tài ba của Trung tướng Nguyễn Bính đã nhất tề đứng lên giành chính quyền. Ngày 8/05/1945, quân và dân Đông Triều đã chiến thắng ở bốn đồn: Chí Linh(Hải Dương), Đông Triều, Tràng Bạch, Mạo Khê. Cùng với khí thế đó, các địa phương khác cũng nổi dậy và lần lượt giành chính quyền ở một loạt các địa điểm như An Lão, Thanh Hà, Nam Sách… Trong đó, nổi bật nhất là Đông Triều là một trong những vùng giành chính quyền sớm nhất trong cách mạng tháng 8/1945. Trong giai đoạn tiếp theo, nhân dân Đông Triều cũng đã vô cùng anh hùng chống trả quân Pháp quay lại xâm lược, tiêu biểu là cuộc chống trả của nhân dân Yên Đức. Trong kháng chiến chống Mĩ, nhân dân Đông Triều cũng vô cùng tích cực hăng say thi đua dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng CSVN. Với chính sách tăng gia vừa lao động vừa chiến đấu trước sự chống phá khốc liệt của đế quốc Mĩ, nhân dân Đông Triều đã thực sự đạt nhiều kết quả trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như một dấu vàng son của lịch sử quê hương Đông Triều với dịa danh Sông Cầm nơi gi danh đậm nét với chiến công bắn rơi 3 máy bay của Mĩ. Và biết bao nhiêu chiến công hiển hách của toàn thể nhân dân Đông Triều trên cũng là bấy nhiêu niềm tự hào trong trái tim của mỗi người con Đông Triều khi quê hương mình được gọi tên.
           Ngày hôm nay, chiến tranh qua đi, Đông Triều đang trên đà vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trở lại Đông Triều các bạn sẽ thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay mạnh mẽ của thị xã trẻ. Hầu hết các khu phố giờ đã được quy hoạch, chỉnh trang, cũng với đó là “luồng gió” của phong trào xây dựng Nông thôn mới đã mang lại những tuyến đường được bê tông hóa, thảm nhựa rộng rãi, khang trang, từng bước khoác lên mình thị xã dáng vóc của một đô thị hiện đại, văn minh. Những đô thị ngày càng được mở rộng và hiện địa với tàu xe nhộn nhịp hòa cùng với đó là những nhà máy với ống khói nghi ngút trời xanh.
           Đặc biệt, góp phần vào một trong những cái nhất của tỉnh Quảng Ninh, Đông Triều cũng rất vinh dự khi có điểm dừng nghỉ đẹp lung linh- Quảng Ninh Gate với cổng chào lớn nhất Việt Nam, được thiết kế 8 trụ thép có độ cao 38-43m, chiều rộng chân trụ từ 50-60m, xen kẽ các trụ chính là nan phụ thiết kế không giống nhau, tạo dáng những dãy núi trùng điệp của tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra tại đây còn có các công trình bổ trợ bao gồm cảnh quan cây xanh, bãi đỗ xe, khuôn viên tổ chức các sự kiện. Điểm dừng nghỉ Quảng Ninh Gate sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách như nghỉ ngơi, thư giãn sau một chặng đường dài, mà còn là một địa điểm để trải nghiệm văn hóa, quảng bá các du lịch, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của vùng đất Quảng Ninh.
Hình ảnh người nông dân cần cù lam lũ bên ruộng lúa, ruộng rau xanh tốt, dường như đã trở thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân Đông Triều quê tôi. Khi dạo quanh cánh đồng đâu đó, bạn cũng vô cùng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một hai đoàn khách nước ngoài thích thú tham gia với các hoạt động nông nghiệp, tạo nên một bức tranh có khung cảnh vừa vui tươi vừa hăng say lao động, đóng góp ít nhiều trong việc xây dựng nông thôn mới cho đời sống được thêm phần nào ấm no, hạnh phúc hơn.
           Cùng với đó, thành quả của những giây phút lao động hăng say là các mặt hàng nông sản độc đáo, đa dạng tạo nên thương hiệu, điểm nhấn cho nông nghiệp Đông Triều. Chẳng hạn như na dai hay thanh long ruột đỏ Đông Triều… Song song là những khu khai thác than kế thừa vẫn tấp nập, nhộn nhịp không khí hăng say lao động sản xuất của công nhân mỏ, những lò gốm truyền thống vẫn hoạt động sôi nổi tạo ra những sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao phục vụ cho việc xuất khẩu tiêu dùng sang nước ngoài….đó là một thành tích lớn cho sự phát triển của đất nước ngày một giàu mạnh, đời sống nhân dân nâng cao, cải thiện, tiến lên trên chủ nghĩa xã hội.
           Là một người con của quê hương Đông Triều, tôi tự hào về quê hương với truyền thống lịch sử hào hùng, với những sự thay đổi và phát triển không ngừng, với tình yêu cháy bỏng với quê hương, tôi luôn mong mình học tập thật tốt, nhanh chóng thành đạt, để sau này có thể phần nào đó đóng góp xây dựng một Đông Triều phát triển hơn nữa, đưa hình ảnh của Đông Triều không chỉ đến với du khách Việt Nam mà còn với cả du khách quốc tế.
           Mời bạn cùng đến với quê hương Đông Triều thân thương của tôi, để cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa, cùng hòa mình theo dòng chảy của những chiếc thuyền bên dòng nước nơi đập Khe Chè, Đảo Ngọc.. và thả mình vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình của vùng đất này và cảm nhận cuộc sống, tâm hồn, những nét sinh hoạt văn hóa đời thường  phong phú và hết sức giản dị, nhưng văn minh biết nhường nào của người dân nơi đây. Cảm nhận vẻ đẹp của những di tích lịch sử văn hóa tâm linh, cách mạng và sinh thái, cùng hòa mình vào sự thay đổi một cách nhanh chóng của miền đất ấy. Hãy đến với Đông Triều quê tôi, một Đông Triều cổ kính, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

Comments

Popular posts from this blog

"Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công". Suy nghĩ của em về câu nói trên.

Bài giới thiệu cuốn sách “Dù thế nào cũng phải sống, bởi chúng ta chỉ sống một lần”

Cảm nhận của em về bài ca dao " Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù khói tỏa thành sương, Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ."